Hộ chiếu sinh trắc học hay còn gọi là hộ chiếu điện tử/ e-passport / ePassport / passport sinh trắc học là một dạng hộ chiếu được kết hợp giữa giấy truyền thống với một phương tiện để lưu thông tin cá nhân (tên, ngày tháng năm sinh, giới tính,...) và dữ liệu sinh trắc học của chủ sở hữu.
Thường phương tiện đó sẽ là một con chip kết hợp với ăng-ten không dây nhúng trong bìa trước, sau hoặc ở trang giữa của passport. Mô tả chi tiết về quyển hộ chiếu cũng như cấu hình con chip nói trên được quản lý bởi Hiệp hội Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), còn dữ liệu sinh trắc học có thể được xài bao gồm vân tay, gương mặt hoặc nhận diện mống mắt.
Trên các passport điện tử sẽ có biểu tượng của một con chip được giản thể như trong ảnh dưới đây:
Theo tài liệu ICAO 9303, chỉ có tấm ảnh kĩ thuật số của chi tiết sinh trắc học là được lưu trên con chip. Việc so sánh dữ liệu trên chip với dữ liệu thật sự của chủ sở hữu passport sẽ được tiến hành bằng các hệ thống hiện đại ở hải quan để đảm bảo sự an toàn. Tất nhiên, giao thức để kết nối không dây giữa passport và hệ thống này (contactless card) cũng được chuẩn hóa để mọi quốc gia có thể sử dụng nó dễ dàng và không gây trở ngại cho người đi du lịch. Thậm chí các nhà sản xuất passport khác nhau cũng phải dùng chung chuẩn này.
Tại sao nên sử dụng hộ chiếu sinh trắc học?
Theo trang web của chính phủ Canada, mục tiêu chính của hộ chiếu sinh trắc học là tăng tính an ninh, từ đó hạn chế tình trạng giả mạo hộ chiếu. Còn theo trang web của Bộ Nội vụ Mỹ, ePassport có thể giúp chống lại tình trạng trộm cắm hộ chiếu để làm chuyện xấu, tăng cường bảo mật sự riêng tư cho người dùng, cũng như khiến việc chỉnh sửa hộ chiếu để nhập cư trái phép trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Một số người cho rằng hộ chiếu điện tử sẽ giúp bạn đi qua hải quan nhanh hơn, tuy nhiên không có gì đảm bảo điều đó. Nếu cảm thấy nghi vấn, nhân viên hải quan vẫn sẽ hỏi bạn hàng loạt câu hỏi như hiện nay mà thôi, chủ yếu nó chỉ giúp quá trình truyền tải thông tin từ passport sang hệ thống quản lý xuất nhập cảnh được dễ hơn, chính xác hơn, an toàn hơn.
Cấu tạo của một quyển ePassport
Những vấn đề nảy sinh khi sử dụng hộ chiếu sinh trắc học
Những thứ liên quan đến công nghệ thì vấn đề phát sinh thường sẽ là tính bảo mật thông tin. Làm thế nào để thông tin của mọi người không bị theo dõi, hoặc bị chiếm đoạt bởi hacker vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Kể từ khi passport điện tử được giới thiệu, nhiều vụ tấn công đã được thử nghiệm và trình diễn. Năm 2005, một chuyên gia bảo mật nhận thấy rằng số passport của Đức có thể được dự đoán trước nên kẻ xấu có thể dùng kĩ thuật dự đoán để tạo ra key đọc dữ liệu trên chip. Năm 2006, một phần mềm được viết ra để triển khai ý tưởng này. Cũng trong năm này, đã có một nghiên cứu cho thấy việc copy dữ liệu từ passport này sang passport khác có thể được thực hiện rất nhanh và bằng các công cụ đơn giản bởi vì có nhiều ePassport chưa được triển khai chức năng Active Authentication (chống sao chép).
Năm 2008, một nhóm đến từ Đại học Radboud/Lausitz trình bày một phương pháp hack để biết được passport đó đến từ nước nào mà không cần phải có key bảo mật. Năm 2010, hai chuyên gia bảo mật trình diễn việc chỉnh sửa lại các yêu cầu BAC để theo dõi passport của người dùng.
Trong khi đó, nhiều tổ chức hoạt động nhân quyền ở nhiều quốc gia thì cho rằng việc người dân không biết chính xác dữ liệu trong con chip có gì có thể gây ảnh hưởng tới quyền riêng tư của họ. Họ cũng bày tỏ quan ngại về việc dữ liệu có thể bị đánh cắp vì sóng không dây RFID có tầm hoạt động rộng (1-4m), đồng thời đề xuất tăng số lượng chuyên gia bảo mật để làm cho ePassport ngày càng trở nên an toàn hơn. Tờ BBC thì dẫn lời một chuyên gia nói rằng trong quá trình xác thực dữ liệu sẽ có rất nhiều lỗ hổng có thể bị khai thác để làm chuyện xấu.
Ngoài ra, hệ thống bảo mật hiện tại cũng chỉ được thiết kế để chống lại những công dân không đáng tin cậy, nó không thể chống lại một chính phủ đã bị tham nhũng nặng hay các quốc gia triển khai ePassport nhưng chưa đạt đủ chuẩn trong việc xử lý thông tin.